Giá heo hơi tiếp tục tăng 1.000 đồng/kg
Giá heo hơi tại miền Bắc hiện nay vẫn duy trì đi ngang. Các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình và Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận mức giá cao nhất là 66.000 đồng/kg. Những tỉnh thành khác trong khu vực này duy trì giao dịch với mức giá 65.000 đồng/kg.
Trong khi đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên chứng kiến sự tăng giá nhẹ ở một số nơi. Cụ thể, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi lên khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi cũng có sự điều chỉnh tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Cụ thể, các thương lái ở Bình Phước, Cà Mau và Tiền Giang hiện giao dịch với mức giá 64.000 đồng/kg. TP.HCM và Vũng Tàu ghi nhận giá heo hơi ở mức 65.000 đồng/kg, trong khi Đồng Nai có mức giá cao nhất là 66.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể giảm vào ngày mai do thị trường đang có xu hướng đi xuống.
Hà Tĩnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Báo Hà Tĩnh thông tin, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh chết theo quy định, đảm bảo hồ sơ, thủ tục; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo; tham mưu, triển khai sử dụng vaccine dịch tả heo châu Phi (ASF) để tiêm phòng cho đàn heo theo hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích, hướng dẫn xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Thực hiện công bố dịch bệnh đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, nội dung, thẩm quyền theo quy định của Luật Thú y; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.
Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; ngăn chặn nhập lậu, buôn bán vận chuyển giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Rà soát, bố trí đủ cán bộ chuyên môn thú y đáp ứng thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu kiện toàn củng cố hệ thống thú y các cấp.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh theo quy định gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) để tổng hợp, tham mưu báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh tại các địa phương; theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục liên hệ các đơn vị sản xuất, cung ứng vaccine ASF, phối hợp các huyện, thành phố, thị xã để triển khai, hướng dẫn công tác tiêm vaccine phòng bệnh ASF kịp thời, hiệu quả theo quy định, hướng dẫn.
Chủ trì rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đề xuất kiện toàn cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo lực lượng phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Trung ương, của tỉnh.
Theo dõi, tổng hợp tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh ASF tại các địa phương, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.